top of page

The Institute of Bible Doctrine
Viện Giáo lý Kinh thánh

1 Giăng 1:9

Phục hồi mối thông công với Chúa thông qua việc xưng nhận tội lỗi

bởi Max Klein

Ở trong mối thông công với Chúa là điều rất quan trọng trong lối sống của Cơ Đốc nhân. Vì vậy, chúng ta phải học cách phục hồi mối thông công với Chúa sau khi chúng ta phạm tội. Để phục hồi mối thông công, Đức Chúa Trời đã thiết kế một thủ tục đơn giản. Thủ tục này tuy đơn giản, nhưng chúng ta phải thực hiện chính xác. Chúng ta gọi tên tội lỗi của mình trước Đức Chúa Cha là một thủ tục có điều kiện chứ không phải là một lời hứa được áp dụng bởi đức tin. Một lời hứa là một tuyên bố hoặc một sự đảm bảo thiên thượng rằng một điều gì đó cụ thể sẽ xảy ra hoặc sẽ không xảy ra, trong khi một thủ tục là một quá trình diễn biến hành động (xưng nhận tội lỗi của chúng ta) mà nhờ đó đạt được kết quả (sự tha thứ tội lỗi của chúng ta). Một lời hứa đòi hỏi đức tin; một thủ tục đòi hỏi hành động. Câu Kinh Thánh này không nói, “Nếu chúng ta tin và xưng ra tội lỗi của mình”. Tín hữu không thể bước đi bằng đức tin khi không còn ở trong mối thông công với Chúa. Vì vậy, Đức Chúa Trời ban cho tín hữu một thủ tục đơn giản để phục hồi mối thông công với Ngài. Chỉ cần xưng ra tội lỗi của bạn với Ngài, thì Ngài sẽ phục hồi mối thông công với bạn. Sự rèn tập yên nghỉ trong đức tin (tập hành động trong đức tin và chờ đợi Chúa hoàn thành công việc của Ngài), được gọi là bước đi bởi đức tin không thể được hoàn thành khi chúng ta không ở trong mối thông công với Đức Thánh Linh. Sự rèn tập yên nghỉ trong đức tin là áp dụng giáo lý Kinh Thánh vào trải nghiệm của chúng ta và sự rèn tập này cần có quyền năng thiên thượng để thực hiện. Quyền năng thiên thượng được ban cho chúng ta bởi chức vụ đổ đầy của Đức Chúa Thánh Linh∗ chỉ khi chúng ta ở trong mối thông công với Ngài. Bước đi bởi đức tin là một phần của đời sống tâm linh. Khi tín hữu không còn ở trong mối thông công với Chúa, đời sống tâm linh của người đó sẽ tạm dừng lại cho đến khi người đó trở lại trong mối thông công với Chúa. Trong chức năng của sự rèn tập yên nghỉ trong đức tin, linh hồn của chúng ta phải được kiểm soát bởi Đức Thánh Linh. Khi tín hữu không còn ở trong mối thông công với Chúa, linh hồn người đó bị bản chất tội lỗi của mình điều khiển. Khi tín hữu bị bản chất tội lỗi của mình kiểm soát, người ấy ở trong hoàn cảnh hoàn toàn bất lực và tuyệt vọng. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Trời phải cung cấp một giải pháp ân điển cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của chúng ta. Giải pháp ân điển này là một thủ tục đơn giản, chứ không phải là một bài tập đức tin. Cơ Đốc nhân phải nhận biết rằng mình đang ở trong mối thông công với Chúa hay không. Người ấy không thể một phần ở trong mối thông công với Chúa còn một phần khác thì không ở trong mối thông công với Ngài.  

Khi tín hữu vâng theo giáo lý Kinh Thánh trong linh hồn mình với sự đầy dẫy Đức Thánh Linh, thì người ấy ở trong sự thông công với Chúa và bước đi trong sự sáng. Vì vậy, ở trong mối thông công với Chúa có mối liên hệ với phần linh hồn, chứ không liên quan đến thể xác hay cảm xúc. Vì vậy, mối thông công không phải là điều mà chúng ta ‘cảm thấy’. Không một tín hữu nào nên nói, ‘Tôi cảm thấy gần Chúa’ hay ‘Tôi cảm thấy như thể tôi không còn ở trong mối thông công với Chúa nữa’. Thay vào đó, tín hữu phải hiểu rằng mình đánh mất mối thông công với Đức Thánh Linh và đi vào bóng tối bất cứ khi nào mình phạm tội. Khi đang ở trong bóng tối, người đó phải bước ra ánh sáng trở lại thông qua việc xưng nhận tội lỗi. Khi một người lần đầu tiên tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Cứu Chúa của mình, tội lỗi của người ấy trước khi được cứu rỗi sẽ được tha thứ, và người đó ngay lập tức được đặt trong mối thông công với Đức Thánh Linh. Sau khi được cứu rỗi, khi người ấy phạm tội, mối thông công với Đức Thánh Linh bị gãy đổ, và người tín hữu đó bước vào bóng tối. Tại thời điểm này, người tín hữu đó cần một giải pháp cho những tội lỗi người đó phạm sau khi được cứu rỗi để người đó có thể bước đi trong sự sáng trở lại.  

Khi Cơ Đốc nhân không còn ở trong mối thông công với Chúa và bước đi trong bóng tối, người ấy ở trong tình trạng hoàn toàn vô vọng. Tình trạng vô vọng là bởi vì tín hữu ấy không còn ở trong mối thông công với Chúa thì ở dưới sự kiểm soát của bản chất tội lỗi, vì vậy người đó không thể làm gì để có thể làm hài lòng Đức Chúa Trời. Do đó, giải pháp cho vấn đề này phải đến từ ân điển thiên thượng, tức là, Đức Chúa Trời phải đưa ra giải pháp. Giải pháp của Đức Chúa Trời được tìm thấy trong 1 Giăng 1:9. Câu Kinh Thánh này bắt đầu với mệnh đề sau, “Còn nếu chúng ta xưng tội mình [những tội lỗi đã biết].” Liên từ εαν (ean – nếu) và động từ µολογέω (homologeo – thừa nhận, gọi tên hay nói ra ở thức giả định tạo thành câu điều kiện loại 3 trong tiếng Hy Lạp. Câu điều kiện loại 3 nhấn mạnh ý chí tự do của một cá nhân và hàm ý là ‘có thể’. Tín hữu ấy có thể gọi tên các tội lỗi của mình cách chính xác với Đức Chúa Cha hoặc có thể không làm như vậy. Khi Giăng viết phân đoạn Kinh Thánh này dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, ông nhìn nhận rằng nhiều Cơ Đốc nhân sẽ không xưng đúng tội lỗi của họ với Đức Chúa Cha. Không chỉ có thức giả định mà thức mệnh lệnh cũng thừa nhận ý chí tự do. Một người cha có thể nói với con gái của mình rằng, “Nếu con kết hôn (thức giả định: tiềm năng, khả năng, xác xuất), bố sẽ tặng con một món quà cưới đắt tiền.” Vì cô gái có ý chí tự do, cô có thể không bao giờ nhận được món quà cưới đó. Ngài thị trưởng thành phố có thể ra lệnh cho những người lái xe phải lái xe trong một giới hạn tốc độ nhất định trong thành phố. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các tài xế sẽ tuân thủ mệnh lệnh này. Kinh Thánh nhìn nhận ý chí tự do thông qua việc sử dụng thức giả định và thức mệnh lệnh. Đức Chúa Trời cũng cung ứng cho chúng ta I Giăng 1:9 như một phương cách duy nhất để phục hồi mối thông công của chúng ta với Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời đã ban câu Kinh Thánh này cho chúng ta, nên trách nhiệm của chúng ta là áp dụng câu Kinh Thánh này. Vì vậy, mỗi khi tín hữu đánh mất mối thông công với Chúa, người ấy nên ngay lập tức xưng ra tội lỗi của mình với Cha thiên thượng. Đây là trách nhiệm của người ấy. Người tín hữu ấy không những chịu trách nhiệm nhìn nhận tội lỗi mà còn chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, khi bạn phạm tội, đừng đổ lỗi cho người khác. Đừng bao giờ nói rằng, “Anh ấy hoặc cô ấy làm cho tôi tức giận.” Đây là sự thất bại trong việc chịu trách nhiệm cho tội lỗi của chính mình. Không ai có thể làm cho bạn tức giận. Bạn đã quyết định trở nên giận dữ, lo lắng, ghen tị, ngồi lê đôi mách, hay gian dâm. Đó là quyết định của bạn, không phải quyết định của người khác.

Homologeo là một từ Hy Lạp cổ điển ban đầu được sử dụng trong các toàn án A-then vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, và vẫn được sử dụng trong lĩnh vực tư pháp trong thời kỳ Tân Ước. Động từ này được sử dụng khi một tên tội phạm nói rõ về tội ác của mình trong phòng xử án. Sau khi tên tội phạm bị kết tội, thẩm phán sẽ yêu cầu tên tội phạm thừa nhận tội lỗi bằng cách nêu rõ tội ác của mình. Khi nêu tội ác của mình, tên tội phạm không được phép xúc động. Anh ta không được phép bày tỏ sự hối hận, nói lời xin lỗi hay khóc lóc. Thẩm phán yêu cầu tên tội phạm chỉ trình bày sự thật liên quan đến tội ác của mình, sau đó thẩm phán sẽ chỉ định hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật. Luật pháp, chứ không phải tình cảm, là tiêu chí trong Tòa án A-then. Thập tự giá là một phiên toà xét xử. Đức Chúa Cha là chủ tọa phiên tòa. Đức Chúa Jêsus là thế thân cho loài người tội lỗi. Vì vậy, Đấng Christ bị Đức Chúa Cha kết án và hình phạt vì mọi tội lỗi của nhân loại. Trong thời gian xét xử có sự phán xét, chứ không có sự tha thứ. Bởi vì mọi tội lỗi đã bị trừng phạt trên thập tự giá, Đức Chúa Trời có thể tha thứ cho tất cả những ai đặt lòng tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Cô-lô-se 1:14 nói, “Trong Con ấy [Đức Chúa Jêsus Christ], chúng ta được sự cứu chuộc [đối tượng bị kết tội đầu tiên] là sự tha tội [đối tượng bị kết tội thứ hai nhận kết quả của hành vị tội lỗi]”. Tha thứ là kết quả của thập tự giá. Công lý của Đức Chúa Trời đã trừng phạt nhân loại của Đấng Christ; Sự công chính của Ngài đã được thỏa mãn; Ân điển của Ngài giờ đây cung ứng cho chúng ta 1 Giăng 1:9 như một giải pháp để phục hồi mối thông công của chúng ta với Ngài. Từ khóa trong mệnh đề đầu tiên của sự phục hồi là homologeo. Từ homologeo này không chứa cảm xúc, thậm chí không chứa 1% cảm xúc, tức là không nước mắt, không hối tiếc, không cầu xin, không hứa sẽ làm tốt hơn, và không nghi lễ, chỉ cần thừa nhận tội lỗi của bạn và trình bày tội lỗi của bạn với Đức Chúa Cha.

Bạn cảm thấy thế nào về tội lỗi của mình khi bạn xưng tội hoàn toàn không quan trọng. Chỉ cần làm theo thủ tục và nêu tên các tội lỗi của bạn; đừng cố gây ấn tượng với Chúa bằng cảm xúc của bạn. Đúng là đôi lúc khi bạn phạm tội, bạn có thể trải qua điều hối tiếc nào đó, kết quả là điều đó có thể thúc đẩy bạn nêu tên tội lỗi mình ra với Đức Chúa Cha. Điều này không sao nhưng không cần thiết. Cơ Đốc nhân thật sự trung thực thừa nhận với chính bản thân anh ta rằng anh ta muốn phạm tội đó và chỉ nêu tên tội đó ra mà không trải qua cảm xúc hối hận. Mong muốn được trở lại trong mối thông công với Chúa là động lực thích đáng; cảm xúc là điều không cần thiết. Mệnh đề “Còn nếu chúng ta xưng tội mình” đề cập đến những tội lỗi đã biết. Bây giờ, xin vui lòng nhận thức rõ rằng một vài tội lỗi nhất định rất tinh vi. Vì vậy, trong một số trường hợp bạn thậm chí có thể không nhận ra rằng mình đã phạm tội. Rõ ràng, nếu bạn không biết rằng điều gì đó là tội lỗi, bạn sẽ không xưng nó ra. Ví dụ, nếu bạn không nhận ra rằng lo lắng là một tội, bạn sẽ không nhận ra trách nhiệm của mình là xưng nó ra với Đức Chúa Cha. Do đó, từ “tội” ám chỉ những tội lỗi đã biết, không phải những tội lỗi chưa biết. Những tội lỗi đã biết này phải được xưng ra với ngôi vị thích hợp trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Mọi lời cầu nguyện và xưng tội trong Thời đại Hội thánh đều hướng về Đức Chúa Cha (Mác 11:25,26; Lu-ca 11:2). Vì vậy, đại từ “Ngài” nói đến Đức Chúa Cha. Đức Chúa Cha là Đấng bất biến, và vì vậy Ngài luôn thành tín. Do đó, mỗi khi bạn xưng tội lỗi của mình với Ngài, Ngài tha thứ cho bạn và phục hồi mối thông công với bạn. Ngài không bao giờ mệt mỏi trước những lời xưng tội của bạn cũng như không bao giờ cảm thấy khó chịu trước những thất bại của bạn. Ngài luôn tha thứ. Ngài không chỉ thành tín, mà còn hoàn toàn công chính.  

Đức Chúa Trời không thể tha thứ cho chúng ta trong ân điển Ngài cho đến khi sự công chính của Ngài được hoàn toàn thỏa mãn. Điều này đưa chúng ta trở lại thập tự giá, cảnh tượng vụ xử án vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử. Đức Chúa Cha là thẩm phán. Là một thẩm phán công chính, Ngài yêu cầu một của lễ toàn hảo bị hình phạt để đền tội cho tất cả tội lỗi của thế gian. Của lễ toàn hảo duy nhất là Đức Chúa Jêsus Christ. Vì vậy, công lý của Đức Chúa Trời đã trừng phạt nhân loại của Đức Chúa Jêsus Christ (Ngài đã mang tội lỗi của chúng ta trên thân thể Ngài) vì mọi tội lỗi của mỗi con người trong lịch sử. Khi mọi sự được trọn, sự công chính của Đức Chúa Cha đã hoàn toàn được thỏa mãn. Hơn nữa, tất cả các của lễ phải được dâng bởi một thầy tế lễ.

Vì lý do này, Đức Chúa Jêsus Christ đã được Đức Chúa Cha phong làm thầy tế lễ thượng phẩm theo ban Mên-chi-xe-đéc (Hê-bơ-rơ 6:20-8:6). Là thầy tế lễ thượng phẩm, Ngài có thể dâng chính mình làm của lễ. Vì Đức Chúa Cha hoàn toàn hài lòng với công tác của Thầy tế lễ Thượng phẩm của chúng ta, Đức Chúa Jêsus Christ, vì vậy chúng ta thậm chí đừng nghĩ đến việc thêm bất kỳ công việc nào của con người để nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Chỉ cần xưng ra tội lỗi của bạn. Đừng cho bản thân mình là quan trọng hơn. Hãy coi thập tự giá của Đấng Christ quan trọng hơn bằng cách nêu ra tội lỗi của bạn. Khi một Cơ Đốc nhân thêm công việc của con người như nước mắt, những lời hứa, sự hối hận, cầu xin, lễ nghi, v.v. vào việc xưng ra tội lỗi của mình, thì lời xưng tội của người đó trở nên không thể chấp nhận được với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không thể chấp nhận được bất kỳ công việc gì cạnh tranh với công tác hoàn hảo của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta trên thập tự giá.

 

1 Giăng 1:9 “Còn nếu chúng ta xưng tội mình [những tội đã biết], thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta [những tội đã biết] và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính [những tội lỗi chưa biết, làm buồn lòng và dập tắt Đức Thánh Linh, Đấng hành động trong đời sống Cơ Đốc nhân, v.v].

 

Từ Hy Lạp ινα (hina) ở thức giả định giới thiệu một mệnh đề kết quả và nên được dịch là “với kết quả là”. Vì sự công chính của Đức Chúa Cha đã hoàn toàn được thỏa mãn bởi thập tự giá, Ngài có thể tự do tha thứ cho chúng ta những tội chúng ta đã biết và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính (những tội lỗi chưa biết và những việc làm sai trái khác). Từ Hy Lạp αϕιηµι (aphiemi) có nghĩa là tha thứ. Đức Chúa Cha tha thứ cho chúng ta những tội lỗi chúng ta đã biết khi chúng ta xưng chúng ra, nhưng còn những tội lỗi chúng ta chưa biết và những việc làm sai trái của chúng ta thì sao? Từ Hy Lạp καθαριζω (katharizo) có nghĩa là “khiến cho thanh khiết, trong trắng” hoặc “tẩy sạch”. Bởi vì chúng ta đang nói tới linh hồn, từ này nên được dịch là “tẩy sạch”. Đức Chúa Trời không chỉ tha thứ cho chúng ta những tội lỗi chúng ta đã biết, nhưng Ngài tẩy sạch chúng ta khỏi những tội lỗi chúng ta chưa biết và những việc làm sai trái và phục hồi chúng ta lại trong mối thông công với Ngài. Nhiều lần chúng ta phạm tội và đánh mất mối thông công với Ngài, Ngài thi hành kỷ luật với chúng ta. Chúng ta không bị trừng phạt vì chính bản thân tội lỗi đó bởi vì Đức Chúa Jêsus Christ đã trả giá cho mọi tội lỗi. Chúng ta bị trừng phạt bởi tình yêu của Đức Chúa Trời để chúng ta học cách vâng phục và tôn trọng Ngài và thực hiện kế hoạch của Ngài (Hê-bơ-rơ 12:6). Sự tha thứ và sự thanh tẩy không ngụ ý rằng sự đau khổ này sẽ chấm dứt. Bất cứ hình phạt nào nhận được liên quan đến việc phạm tội và việc bị đánh mất mối thông công với Chúa đều trở thành sự đau khổ để chúng ta được phước và tăng trưởng đời sống tâm linh khi chúng ta trở lại trong mối thông công với Chúa.

 

Nói tóm lại, cơ hội để một người xưng ra tội lỗi của mình với Đức Chúa Cha và trở lại trong mối thông công với Ngài là một món quà của ân điển. Món quà này không nhằm mục đích khuyến khích chúng ta phạm tội, nhưng cung ứng cho tín hữu cơ hội để tiếp tục trong đời sống tâm linh và hoàn thành mục đích của đời sống tâm linh – tăng trưởng trong ân điển và trong sự thông biết Chúa để một ngày nào đó tín hữu đó có thể yêu mến các thân vị trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời.

Lời tri ân 

Tác giả đã theo học trong mục vụ giảng dạy của R. B. Thieme, Jr., vị mục sư trung tín của ông trong hơn 30 năm. Trong thời gian đó, Max học được nhiều nguyên tắc Kinh Thánh và lẽ thật giáo lý giúp ông hiểu rõ về đời sống tâm linh. Chính đời sống tâm linh này là điều mà Max mong muốn giải thích bằng hình thức viết đơn giản, để những người khác cũng có thể biết đến đời sống tâm linh mà Đức Chúa Trời ban cho tất cả những người tin vào Đức Chúa Jêsus Christ.

bottom of page